Đồng Bằng Sông Cửu Long - Vựa Lúa Của Cả Nước
10/06/2022 - 15:03

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng rộng lớn có đất đai màu mỡ nằm tận cùng phía nam Việt Nam.

Vùng này còn được biết đến với những tên gọi như Đồng bằng sông Mê Kông, miền Tây Nam bộ, hoặc theo người dân gọi ngắn gọn là "miền Tây".
ĐBSCL bao gồm thành phố Cần Thơ - trực thuộc trung ương, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 170 km về phía tây nam - và 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang,  Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Điều kiện tự nhiên và sản xuất nông nghiệp

Khí hậu ĐBSCL có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Vùng đất này được phù sa bồi đắp từ lũ hàng năm trên sông Me Kong, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Một nét khá đặc biệt là ở ĐBSCL ngoài hệ thống sông ngòi tự nhiên còn có vô số kênh đào với tổng độ dài khoảng 5.000 km, điều biến vùng này thành môi trường sông nước đặc trưng. Các kênh đào này được hình thành từ chín nhánh của sông Me Kong, hay còn được gọi lại sông Cửu Long, mang nước ngọt và phù sa tới toàn vùng trước khi đổ ra Biển Đông.

ĐBSCL hiếm khi bị ảnh hưởng của mưa bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Thời tiết khá ổn định, nhiệt độ trung bình từ 25-28 độ. Những điều kiện tự nhiên đó ảnh hưởng mạnh và sâu sắc đến văn hóa của vùng đất.

Nhờ có phù sa màu mỡ, nông dân ở ĐBSCL trồng ba vụ lúa một năm, và cung cấp một lượng thóc gần 60% sản lượng cả nước. Nhờ hầu hết những giống lúa tốt nhất đất nước được gieo trồng ở đây, lượng gạo xuất khẩu của ĐBSCL chiếm hơn 90% tổng khối lượng gạo xuất hàng năm từ Việt Nam, nước đứng thứ ba trên thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan về khối lượng xuất khẩu gạo.

Với đặc tính của vùng sông nước trù phú, ĐBSCL cung cấp một lượng lớn thủy sản cho xuất khẩu, với một số sản phẩm nổi tiếng ở thị trường nước ngoài như cá tra, cá ba sa và tôm. Sản lượng thủy sản của vùng chiếm tới 70% sản lượng toàn quốc.

Tác động của thay đổi khí hậu

ĐBSCL, là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người và hiện chỉ cao hơn mực nước biển 0,8 mét, có thể sẽ bị chìm xuống biển vào năm 2100 nếu việc khai thác nước ngầm và khai thác cát tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, Tiến sĩ Philip Minderhoud từ Đại học Utrecht (Hà Lan) nói trong một bài viết của Thông Tấn Xã (TTXVN).

Tốc độ sụt lún tăng nhanh khiến tình trạng nhiễm mặn, lũ lụt và sạt lở đất ven biển ở vùng đồng bằng này trở nên nghiêm trọng hơn, ông Minderhoud nói trong bài của TTXVN đăng cuối năm 2020.

 

Xin tham khảo thông tin về Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tại đây.

TIN LIÊN QUAN